Bài viết này không những giúp bạn hiểu được Điện toán đám mây là gì hay Thời đại cách mạng Cloud Computing là gì mà còn giúp bạn có thêm một số kiến thức chuyên môn về chúng mà không cần phải đi đâu xa xôi tìm kiếm.
1. Điện toán đám mây là gì?
Thật ra ở đây Điện toán đám mây là nghĩa tiếng Việt của Cloud Computing. Bạn có thể gọi sao cũng được, chúng đều có nghĩa như nhau.
Điện toán đám mây được hiểu đơn giản là việc sử dụng các dịch vụ, tài nguyên của máy tính như là phần mềm, hệ thống CNTT, các máy chủ, dữ liệu, dịch vụ phần cứng,…thông qua kết nối Internet, hay còn gọi là “đám mây” theo cách nói ẩn dụ. Trên thực tế, hình ảnh đám mây được sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần để miêu tả internet trên sơ đồ. Nếu hình ảnh Internet được ví như là một không gian ảo để kết nối những người dùng trên thế giới này lại với nhau, thì đám mây cũng có nghĩa như vậy, chúng chia sẻ thông tin đến mọi người dùng qua Internet. Với Điện toán đám mây, người dùng có thể tìm kiếm, sử dụng những tài nguyên dịch vụ này bất cứ lúc nào chỉ cần có kết nối mạng.
2. Điện toán đám mây hoạt động như thế nào?
Có rất là nhiều diễn giải về cách hoạt động của điện toán đám mây, nhưng nhìn chung thì có 2 cách hiểu đơn giản nhất mà các bạn có thể chọn 1 trong 2 để hiểu như sau:
2.1 Cách hiểu thứ nhất
- Đối với các doanh nghiệp, thay vì bình thường sẽ phải đối mặt với một khối lượng công việc khổng lồ, những áp lực như chương trình nặng, chạy nhiều ứng dụng, lưu trữ nhiều dữ liệu,…thì bây giờ những vấn đề về phần cứng, phần mềm đó sẽ được xử lý bởi các đám mây do mạng máy tính tạo nên.
- Điều kiện duy nhất về cơ sở vật chất cho người dùng đó là máy tính phải chạy được phần mềm – giao diện sử dụng hệ thống điện toán đám mây (nó có thể là một trình duyệt web), và mạng lưới đám mây sẽ đảm nhận giải quyết những phần còn lại.
- Thay vì chạy một chương trình email trên máy tính, bạn chỉ cần đăng nhập một tài khoản email trên Internet. Các phần mềm, lưu trữ dữ liệu, cho tài khoản của bạn sẽ tồn tại trên đám mây dịch vụ chứ không trên máy tính của bạn.
2.2 Cách hiểu thứ hai
- Để hiểu về cách hoạt động của Điện toán đám mây, đơn giản là chúng ta chia chúng thành 2 phần: Mặt trước (Front-end) và mặt sau (Back-end). Chúng sẽ kết nối với nhau thông qua Internet. Front-end là phía máy tính của khách hàng hoặc máy tính người dùng. Back-end là phần “ đám mây “ của hệ thống
- Front-end sẽ bao gồm mạng lưới máy tính của khác hàng hoặc máy tính của khách hàng. Ngoài ra còn có những ứng dụng cần thiết để kết nối với hệ thống điện toán đám mây. Không nhất thiết các điện toán đám mây này có cùng giao diện người dùng
- Mặt back-end. Có rất nhiều máy tính, máy chủ và hệ thống lưu trữ dữ liệu khác nhau tạo nên một đám mây. Một hệ thống đám mây có thể bao gồm bất kỳ chương trình máy tính nào, từ xử lý dữ liệu cho đến các trò chơi video. Thông thường thì mỗi ứng dụng sẽ có máy chủ chuyên dụng riêng.
3. Điện toán đám mây có bao nhiêu mô hình triển khai?
Hiện nay có 3 mô hình điện toán đám mây đang được sử dụng phổ biến, đó chính là: Public Cloud, Private Cloud, Hybrid Cloud. Chúng ta sẽ tìm hiểu và đánh giá hoạt động của từng mô hình
3.1 Mô hình Public Cloud (Điện toán đám mây công cộng)
Public Cloud được xem là một trong những mô hình đang đang được sử dụng rộng rãi nhất ngày nay. Ở mô hình này, tất cả các ứng dụng, dịch vụ, dữ liệu sẽ nằm trên một hệ thống đám mây, và như đúng cái tên của nó điện toán đám mây công cộng, nghĩa là tất cả người dùng đều có thể truy cập và sử dụng chung những tài nguyên này. Còn nhà cung cấp dịch vụ sẽ trực tiếp quản lý và bảo vệ các dữ liệu trên đám mây này.
-
Ưu điểm
- Quy mô rộng lớn, không bị giới hạn không gian, thời gian và số lượng người dùng
- Chi phí đầu tư thấp, tiết kiệm hệ thống máy chủ, giảm gánh nặng quản lý, cơ sở hạ tầng
- Khả năng hoạt động mạnh mẽ, độ tin cậy cao, chúng đảm bảo không có một điểm không hài lòng hay thất bại nào xuất hiện trong quá trình sử dụng
- Chúng có thể co giãn theo nhu cầu thực tế của người dùng.
-
Nhược điểm
- Chính vì sự kết nối rộng rãi nên vô tình nó làm giảm đi sự an toàn của các dữ liệu, chương trình.
- Không có quyền kiểm soát riêng tư hay bảo mật
- Không phù hợp để sử dụng cho các ứng dụng nhạy cảm
- Thiếu tính linh hoạt, vì hệ thống phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ
- Không có các giao thức nghiêm ngặt về quản lý dữ liệu.
3.2 Mô hình Private Cloud (Điện toán đám mây riêng)
Điện toán đám mây riêng (Private Cloud) là một hệ thống đám mây với những tài nguyên lưu trữ và phần cứng chuyên dụng được cung cấp cho một doanh nghiệp hay tổ chức riêng nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu. Các đám mây sẽ phân phối từ trung tâm dữ liệu của doanh nghiệp đến người dùng nội bộ. Hầu hết các tài nguyên trên Private Cloud này sẽ được quản lý trực tiếp bởi công ty hay tổ chức đó trong tường lửa.
-
Ưu điểm
- Khả năng bảo mật và riêng tư cao
- Cung cấp nhiều quyền kiểm soát, quản lý hệ thống theo từng nhu cầu khác nhau của công ty
- Tính linh hoạt cao và chủ động trong xử và quản lý dữ liệu
- Nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng
- Tiết kiệm tiền của công ty/tổ chức.
-
Nhược điểm
- Đắt hơn nếu so với Điện toán đám mây công cộng (Public Cloud) vì phải tốn chi phí xây dựng và duy trì hệ thống
- Có thể xảy ra nhiều khó khăn trong việc triển khai công nghệ nên vì vậy hệ thống này cần nhờ đến sự can thiệp của những chuyên gia IT
- Không thể chia sẻ cho người ngoài nếu như có nhu cầu
3.3 Mô hình Hybrid Cloud (điện toán đám mây lai)
Như chính cái tên của nó, điện toán đám mây lai – Hybrid Cloud là một hệ thống điện toán đám mây cho phép bạn cùng lúc có thể sử dụng như Public Cloud và Private Cloud. Điều này tạo điều kiện cho các công ty, tổ chức có thể tối ưu hóa sự hiệu quả và mang lại chất lượng dịch vụ cao hơn cho khách hàng. Khi sử dụng loại mô hình này, các tổ chức có thể chuyển đổi những dữ liệu công khai sang Private Cloud trong trường hợp truyền dữ liệu nhạy cảm hoặc là các ứng dụng quan trọng. Đây là mô hình được sử dụng nhiều nhất trong các doanh nghiệp, tổ chức vì nó mang lại cả 2 lợi ích của 2 mô hình Public Cloud và Private Cloud.
-
Ưu điểm
- Quy mô hệ thống rộng lớn, không bị giới hạn khi sử dụng nhiều dịch vụ hệ thống đám mây
- Khả năng bảo mật cao hơn, đảm bảo sự an toàn cho các thông tin quan trọng
- Khả năng xử lý dữ liệu linh hoạt, nhạy bén và phù hợp với từng nhu cầu tổ chức.
-
Nhược điểm
- Còn phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng, chi phí tốn kém cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng
- Có khả năng xảy ra vi phạm an ninh thông qua đám mây công cộng (Public Cloud)
- Khó khăn trong việc triển khai và quản lý hệ thống
4. Có bao nhiêu mô hình cung cấp dịch vụ điện toán đám mây?
Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây cung cấp các dịch vụ của họ theo 3 mô hình cơ bản: Infrastructure as a service (IaaS), Platform as a service (PaaS), Software as a service (SaaS)
4.1 Mô hình Infrastructure as a service (IaaS) – Cơ sở hạ tầng như một dịch vụ
- Cơ sở hạ tầng như một dịch vụ hay còn viết tắt là Iaas, là những khối dựng cơ bản dành cho nền tảng CNTT và thường cung cấp các quyền truy cập các tính năng mạng, máy tính, máy chủ và dung lượng lưu trữ dữ liệu. Cơ sở hạ tầng như một dịch vụ này sẽ mang đến cho bạn mức độ sử dụng linh hoạt cũng như là khả năng kiểm soát quản lý tài nguyên CNTT cao nhất, mà các CNTT này gần giống như các tài nguyên quen thuộc, phổ biến thường hay sử dụng ở các bộ phận CNTT và các nhà lập trình, phát triển hiện nay.
- IaaS hay còn gọi là pay-per-use, nghĩa là trả tiền khi sử dụng hay chi trả theo định mức. Chi phí này sẽ được tính dựa trên chức năng và dung lượng tài nguyên mà khách hàng đã dùng.
4.2 Mô hình Platform as a service (PaaS) – nền tảng như một dịch vụ
- Nền tảng như một dịch vụ, được viết tắt là PaaS được xem như là món quà dành cho các Developer, chúng là nơi mà các lập trình viên có thể phát triển ứng dụng, website, triển khai chúng trên đám mây.
- Bên cạnh những tính năng tương tự như IaaS, thì PaaS còn cung cấp thêm những công cụ phát triển doanh nghiệp thông minh (BI), Middleware, các công cụ quản lý dữ liệu, các thiết bị khác để hỗ trợ cho việc phát triển và triển khai ứng dụng một cách hiệu quả hơn. PaaS gần như được xem như là một công cụ tốt nhất và hiệu quả nhất cho các công ty dù lớn hay nhỏ đặc biệt là trong ngành CNTT.
4.3 Mô hình Software as a service (SaaS) – Phần mềm như một dịch vụ
- SaaS là viết tắt của mô hình phần mềm như một dịch vụ, mô hình này được xem như là công cụ nổi bật nhất trong số các mô hình, chúng cho phép người dùng có thể sử dụng các ứng dụng trên đám mây chỉ có kết nối mạng.
- Ví dụ điển hình là Microsoft Office 365, trong đó nó có tất cả các tính năng của Microsoft như Email, lịch,… và các ứng dụng tương tự. Một vài Web Mail khác cũng dùng dịch vụ này như Gmail. Hotmail, Outlook,… Đây đều là các sản phẩm hoàn chỉnh, người dùng chỉ cần có máy tính hay điện thoại kết nối mạng, đăng nhập tài khoản và sử dụng, không cần phải mất thời gian thiết lập server để quản lý.
- Mô hình SaaS không chỉ giúp người dùng thuận lợi trong việc tiết kiệm thời gian, vị trí mà còn tiết kiệm nhiều chi phí cho việc thiết lập một server hay các giải pháp backup khác
5. Ưu điểm và Nhược điểm của điện toán đám mây
Mọi công nghệ mới được sinh ra đều nhằm mục đích khắc phục những nhược điểm của các công cụ, thiết bị truyền thống, cũ kỹ nhưng chúng ta biết rằng trên đời này chẳng có gì là hoàn hảo, và Điện toán đám mây cũng vậy. Hãy cùng tìm hiểu các thế mạnh của Điện toán đám mây mang lại là gì và tại sao chúng lại có những điểm yếu.
5.1 Ưu điểm của điện toán đám mây
- Tốc độ xử lý nhanh, mọi thông tin, ứng dụng dữ liệu được kết nối nhanh thông qua Internet
- Hệ thống lưu trữ khổng lồ, thông minh, dễ phân loại và hiệu quả
- Không giới hạn không gian và thời gian, có thể dùng ở bất cứ nơi đâu lúc nào khi có kết nối mạng
- Giá thành tương đối rẻ, hợp lý vì nhờ nền tảng cơ sở hạ tầng tập trung thông qua đám mây, người dùng không cần phải tốn tiền đầu tư vào các trang thiết bị
- Khả năng kết nối linh hoạt, cho phép người dùng có thể truy cập vào hệ thống qua máy tính (PC) hoặc điện thoại di động có kết nối mạng
- Công suất xử lý nhanh, người dùng không cần phải thuê thêm nguồn nhân lực quản trị.
- Khả năng khai thác và quản lý nhanh hơn 20% so với một máy tính thông thường
- Có khả năng mở rộng, giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, khả năng truy cập trên đám mây
- Đa dạng mô hình triển khai, có thể sử dụng tùy theo nhu cầu và mục đích của cơ quan-tổ chức
- Độ bảo mật cao do tập trung cùng trên một hệ thống đám mây
- Dễ dàng sửa chữa, vì chúng không được cài đặt cụ thể trên một máy tính cá nhân nào.
- Tài nguyên sử dụng điện toán đám mây luôn được quản lý, thống kê trên từng khách hàng và ứng dụng theo từng mốc thời gian ( ngày/tuần/tháng). Điều này đảm bảo cho việc định lượng giá cả cho mỗi dịch vụ do điện toán đám mây cung cấp để người dùng có thể lựa chọn phù hợp.
5.2 Nhược điểm của điện toán đám mây
- Thỉnh thoảng người dùng sẽ gặp sự cố bị treo hệ thống bất ngờ, khiến cho việc truy cập dữ liệu, dịch vụ bị gián đoạn và có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả công việc.
- Đôi khi một vài dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên đám mây không còn hoạt động, ngừng cung cấp dữ liệu, khiến người dùng lại mất thêm thời gian sao lưu các dữ liệu ấy về thiết bị, máy tính cá nhân. Hoặc tệ hơn nữa là người dùng có thể bị mất các thông tin ấy một cách vĩnh viễn. Đây là một trường hợp rất xấu nếu như chúng ta lưu trữ các thông tin quan trọng, và mang tính bảo mật
- Phụ thuộc vào đám mây, tất cả dữ liệu, ứng dụng, chương trình sẽ hoàn toàn do đám mây lưu trữ
- Mặc dù đám mây được cho là nơi an toàn và khả năng bảo mật cao nhất, tuy nhiên trong một số trường hợp đám mây bị đột nhập hoặc tấn công bởi một bên thứ 3, thì tất cả các dữ liệu ấy sẽ bị chiếm dụng.
- Ngoài ra tính riêng tư của đám mây vẫn đang là một câu hỏi, liệu các dữ liệu được lưu trữ trên đám mây có thể bị sử dụng vì mục đích khác không?
6. Top 5 các nhà cung cấp dịch vụ đám mây phổ biến trên thế giới
1. Amazon
- Có lẽ không còn xa lạ khi Amazon lại đứng vị trí số 1, bởi lẽ đây là công ty phát minh ra thị trường IaaS (hạ tầng như một dịch vụ). Hệ thống điện toán đám mây cung cấp cho bạn rất nhiều lựa chọn, từ một không gian lưu trữ mini cho đến một siêu thị máy tính khổng lồ.
2. Vmware
- Đây là công ty đến nay vẫn chưa cung cấp dịch vụ nền điện toán đám mây cho riêng mình, mà chúng chỉ cung cấp các phần mềm VCloud để xây dựng đám mây. VmWare là đối thủ mạnh nhất của công nghệ OpenStack.
- Gần đây Vmware đã công bố ra mắt điện toán đám mây công cộng riêng cho mình. Đây quả lả là một sự cạnh tranh thú vị giữa Vmware với các khách hàng của mình, khi có trên 200 nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây xây dựng trên nền tảng Vcloud do Vmware cung cấp.
3. Microsoft
- Microsoft là một tổ chức lớn về điện toán đám mây với Azure. Bên cạnh đó Microsoft cũng cung cấp rất nhiều ứng dụng doanh nghiệp trên đám mây của mình từ cơ sở dữ liệu SQL Server và đến Microsoft Office 365
- Đây là đám mây PaaS (nền tảng như một dịch vụ) với nhiều nhà lập trình viết các ứng dụng sử dụng công cụ mã hóa của Microsoft.
- Gần đây Azure đã mở rộng sang thị trường IaaS, cho phép người dùng chạy Linux với mức giá thấp hơn Amazon
4. Salesforce.com
- Salesforce nổi tiếng với đám mây mô hình PaaS (nền tảng như một dịch vụ)
- Salesforce đã từng chi cả tỷ USD để mua lại Radian6 và Buddy Media Cloud Marketing
5. Google
- Dự án Computer Engine là cơn sốt đối với ngành điện toán đám mây khi Google tung ra dịch vụ IaaS của riêng mình.
- Trước đó Google đã quá nổi tiếng với các công cụ trên đám mây như PaaS công cộng với Google App Engine, cung cấp ứng dụng Google Cloud ứng dụng, Google BigQuery.
- Ngoài ra Google còn nổi tiếng với các dịch vụ dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp như Google Drive và Google Apps
Hi vọng sau khi đọc bài viết này, các bạn có thể hiểu được Điện toán đám mây là gì? cách thức hoạt động của điện toán đám mây, phân loại được các mô hình dịch vụ, đồng thời phân loại các mô hình cung cấp, hiểu rõ các điểm cộng – điểm trừ của công nghệ mới này và có kiến thức về các nhà cung cấp điện toán đám mây hàng đầu thế giới.